Bằng lái xe quốc tế sử dụng trên 70 nước
Từ năm 2015, Việt Nam sẽ cấp bằng lái xe quốc tế cho những người có nhu cầu, bằng lái xe này sẽ được sử dụng ở hơn 70 nước.
Trao đổi với TBKTSG Online ngày 12-11, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc cấp bằng lái xe quốc tế sẽ được thực hiện từ ngày 1-1-2015.
Đây là loại bằng lái quốc tế do Việt Nam cấp, được dịch sang các thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc. Bằng lái này người dân chỉ sử dụng được ở hơn 70 nước đã tham gia Công ước Vienna, trong đó có Việt Nam. Với những nước chưa tham gia công ước Vienna thì người dân vẫn phải học và thi bằng lái của nước đó.
“Người dân có nhu cầu cấp bằng lái quốc tế sẽ không phải học luật giao thông của các nước có tham gia công ước mà chỉ cần đã có bằng lái xe ở trong nước cấp và muốn cấp thêm bằng lái quốc tế (hạng tương đương). Việc cấp bằng lái xe quốc tế chỉ áp dụng cho người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc. Còn đối với người nước ngoài Tổng cục đang nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thủ tục” ông nói.
Như vậy, theo thông tin của ông Quyền, bằng lái xe Việt Nam (thẻ nhựa) mới được cơ quan chức năng cấp, đổi trong thời gian qua, dù đã có phần dịch sang tiếng Anh, vẫn sẽ không sử dụng được ở nước ngoài. Nếu muốn sử dụng được ở hơn 70 nước tham gia công ước Vienna thì bắt buộc người sử dụng phải đổi sang loại bằng quốc tế nhưng được cấp tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Đường bộ, việc cấp giấy phép lái xe quốc tế ngay tại Việt Nam sẽ giúp người dân sinh sống lao động, học tập ở nước ngoài không phải thi bằng lái xe ở nước sở tại, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
TTO - Những công dân Việt Nam có giấy phép lái xe của quốc gia rồi thì được cấp bằng quốc tế chứ không phải học hay thi lại để cấp.
Mẫu GPLX quốc tế theo công ước Vienna - Ảnh: T. Phùng
Theo công ước Vienna có giá trị sử dụng ở 85 quốc gia, công dân Việt Nam được cấp giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế sẽ được lái xe ở các nước tham gia công ước Vienna mà không phải học, thi lấy GPLX của nước sở tại.
Ông Nguyễn Thắng Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - TCĐB) - cho biết như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-11. Theo ông Quân, trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ Việt Nam về việc gia nhập Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (gọi tắt là công ước Vienna), ngày 20-8- 2014, Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam chính thức tham gia Công ước Vienna.
Về lộ trình cấp GPLX quốc tế, ông Quân cho biết hiện nay TCĐB đang xây dựng thông tư quy định việc ban hành mẫu GPLX quốc tế cùng quy định quản lý, cấp phát... Đồng thời đề nghị cơ quan công an xây dựng phôi mẫu GPLX quốc tế có bảo mật và đảm bảo thống nhất với mẫu chung của công ước.
Về mức phí cấp GPLX quốc tế, sẽ được xây dựng để Bộ GTVT trình Bộ Tài chính ban hành với mục tiêu bằng mức phí cấp GPLX với vật liệu PET như hiện nay (135.000 đồng).
Ông Quân cho biết thêm GPLX quốc tế sẽ được cấp theo mẫu thống nhất của công ước Vienna là theo dạng quyển có nhiều trang (giống hộ chiếu) và in 4 thứ tiếng cơ bản là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng của nước cấp GPLX đó.
Trong GPLX này sẽ ghi rõ người có GPLX quốc tế được lái ô tô, mô tô loại nào. GPLX quốc tế có thời hạn theo quy định chung của công ước từ 1 đến 3 năm.
“Khi người Việt Nam sử dụng GPLX quốc tế ở những nước tham gia công ước Vienna thì không cần phải đăng ký trước với cơ quan quản lý giao thông ở nước đó. Người sử dụng GPLX quốc tế khi lái xe nếu được cơ quan kiểm soát giao thông yêu cầu xuất trình GPLX thì xuất trình theo yêu cầu để họ kiểm tra. Còn những người ở các nước tham gia công ước Vienna có GPLX quốc tế do quốc gia của mình cấp khi đến Việt Nam sẽ được Việt Nam công nhận GPLX đó. Bộ GTVT đã xây dựng thông tư về việc công nhận này và có hiệu lực từ 1-12-2014”- ông Quân nói.
Dự kiến, GPLX quốc tế sẽ được cấp thí điểm ở TCĐB và một số Sở GTVT có nhu cầu lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… trong quý I-2015.